02/08/2016
2508

Thông tin Thị trường Nhật Bản 

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21 tháng 9 năm 1973. Đến nay, hai nước đã xây dựng và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác rất gắn bó và toàn diện. Quan hệ hai nước đã đạt đến một đỉnh cao mới, trở thành “đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh Châu Á”.

A. CÁC THÔNG TIN CHUNG

1. Vị trí địa lý :

Nhật Bản là một đảo quốc ở Đông Bắc Á. Các đảo Nhật Bản là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska. Nhật Bản có bờ biển dài 37.000 km, gồm 4 đảo lớn theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là: Hokkaidou, Honshu, Shikoku, Kyushu và rất nhiều đảo nhỏ xung quanh. Đồi núi chiếm 73% diện tích tự nhiên cả nước, trong đó không ít núi là núi lửa. Ngọn núi cao nhất lànúi Phú Sĩ (Fujisan) cao 3776 mét. Giữa các núi là các cao nguyên và bồn địa. Nhật Bản có nhiều thác nước, suối, sông và hồ. Đặc biệt, ở Nhật Bản có rất nhiều suối nước nóng, là nơi hàng triệu người Nhật thường tới để nghỉ ngơi và chữa bệnh.

                                                    

2. Thủ đô, các thành phố lớn

Nhật Bản có 47 tỉnh và 12 thành phố, chia thành 9 vùng, bao gồm: Hokkaido, Tohoku, Kanto, Chubu, Kinki, Chugoku, Shikoku, Kyushu, và Okinawa. Thủ đô là Tokyo - cũng là trung tâm chính trị, kinh tế và thông tin của Nhật Bản.

                                                    

3. Diện tích, dân số, cơ cấu dân số, tỷ lệ lao động và thất nghiệp

3.1. Diện tích:

Nhật Bản có diện tích khoảng 377.829 km², là một quốc gia nhỏ hẹp, chiều dài từ Bắc tới Nam khoảng 3.500km, do địa hình nhiều đồi núi nên Nhật Bản chỉ có rất ít đất có thể dùng để trồng trọt. Các cánh đồng được canh tác chiếm 12,3%, diện tích trồng cây ăn quả chiếm 1,1% và đất trồng cỏ chiếm 0,2% diện tích quốc gia. Ngược lại, đất rừng chiếm tỷ lệ lớn nhất, 66,5% trên tổng diện tích đất.  

3.2. Dân số:

Năm 2012, Nhật Bản có khoảng 127,37 triệu dân, chiếm khoảng 1,81% dân số thế giới và đứng thứ 10 trong số các nước đông dân. Dân cư ở Nhật phân bố không đều, phần lớn tập trung ở các trung tâm lớn: Tokyo, Yokohama, Nagoya, Osaka, Kobe và Kyoto. Thủ đô Tokyo có 12,7 triệu người và mật độ dân số cao nhất nước khoảng 54.700 người/ km², trong khi ở Hokkaido - tỉnh thưa dân nhất có mật độ 74 người/ km². Dân số ở các thành phố và các thị trấn chiếm khoảng 4/5 dân số Nhật Bản, chỉ có khoảng 1/5 dân số còn lại sống ở vùng đồng bằng ven biển.

          Dân số Nhật Bản đang già đi quá nhanh, tỷ lệ sinh thấp dẫn đến lực lượng lao động trong nước đang ngày càng thu hẹp, thiếu nhân lực ở độ tuổi lao động trầm trọng.

3.3. Tỉ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản

Bộ Lao động Nhật Bản vừa cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 5/2012 đã giảm xuống mức 4,4%, thấp hơn 0,2% so với tháng 4. Theo đó, số người thất nghiệp trong tháng 5/2012 là gần 3 triệu người, chiếm 3,3% lực lượng lao động Nhật Bản; số người có việc làm tăng lên gần 63 triệu người, tức cứ 100 người tìm việc thì 81 người có được việc làm, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng tại vùng Đông Bắc.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm chứng tỏ nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang hồi phục sau thảm họa động đất kéo theo sóng thần hồi tháng 3/2011.

4. Khí hậu và thời tiết:

Khí hậu Nhật Bản thay đổi rõ rệt theo 4 mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Mùa Xuấn đến vào đầu tháng 3 được đánh dấu bằng đợt không khí lạnh. Vào cuối tháng 4 và tháng 5, vùng đồng bằng của Nhật Bản có thời tiết đẹp nhất trong năm, nhiệt độ trung bình 120C ở Sapporo, 18,40C ở Tokyo và 19,20C ở Osaka. Cuối mùa xuân, nhiệt độ và độ ẩm tăng lên và nó được nhận biết bởi những đám mây dày rộng chừng 300 – 400 km che phủ mặt trời và làm cho thời tiết bớt đi sự ngột ngạt. Mưa không liên tục nhưng có thể là rất to.

Mùa Hè, mưa thường từ phía Nam và phía Tây Nhật Bản vào đầu tháng 6 và tiến dần lên phía Bắc vào cuối tháng. Giữa mùa hè có những ngày nóng và đêm oi bức do đứng gió. Nhiệt độ trung bình tháng 8 ở Tokyo là 26,70C và 280C ở Osaka. Cuối tháng 8 gió mùa nóng ấm, lập lại những trận mưa đầu mùa hè, ở Sapporo, Sendai và Tokyo đều có mưa nhiều vào tháng 9 (mưa Shurin).

Vào mùa Thu, mưa Shurin tạo một mùa chuyển tiếp ngắn cuối thu vào đầu đến giữa tháng 10 tùy theo vĩ độ và kéo dài đến tháng 11, lúc bắt đầu mùa đông. Mùa thu tiết trời mát mẻ và rất dễ chịu.

Mùa đông đến với Nhật Bản từ đầu tháng 12 đến tháng 2. Hầu hết các vùng của Nhật Bản có tuyết rơi vào mùa đông. Gió mùa Đông Bắc thổi từ lục địa châu Á tới bị chặn bởi hệ thống núi đồi chạy dọc nước Nhật gây ra tuyết rơi nhiều từ Hokkaido đến trung tâm Honshu. Tỉnh Nigata là một trong những tỉnh có nhiều tuyết nhất thế giới với kỷ lục tuyết dày 8 mét. Nhiệt độ trung bình hàng tháng vào mùa đông ở Asahikawa là -8,50C và là thành phố giữ kỷ lục nhiệt độ thấp nhất ở Nhật -410C.

5. Ngôn ngữ

Tại Nhật Bản, có 12 ngôn ngữ thuộc họ ngôn ngữ Nhật Bản, một ngôn ngữ bản xứ không thuộc ngữ hệ Nhật Bản là tiếng Ainu và vài ngoại ngữ như tiếng Anhtiếng Trung Quốc được người Nhật sử dụng.

6. Tôn giáo

Ở Nhật có hai tôn giáo chính là Thần đạo (Shinto) và Phật giáo. Thần đạo không có người sáng lập, cũng không có các loại kinh kệ riêng như kinh Thánh hay kinh Phật. Phật giáo bắt đầu từ Ấn Độ từ thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Một nhánh chính của Phật giáo, nhánh Mahayana hay gọi là Phật giáo Đại thừa đã du nhập vào Nhật Bản. Phật giáo được du nhập vào Nhật từ Trung Hoa và Triều Tiên vào thế kỷ thứ 6.

7. Đồng tiền, tỷ giá quy đổi VND

Yên là đơn vị tiền tệ của Nhật Bản, có ký hiệu là ¥, và có mã là JPY, do Ngân hàng Nhật Bản phát hành.

                                                      

8. Giao thông, phương tiện đi lại

Tại Nhật Bản, các phương tiện giao thông công cộng đi lại chủ yếu bằng tàu điện. Hệ thống giao thông ở Nhật rất phát triển, tại các thành phố lớn, chỉ cần đi bộ 5 ~ 15 phút sẽ đến được ga tàu gần nhất. Bên cạnh đó, ở một số vùng ngoại ô và nông thôn, người Nhật Bản sử dụng xe buýt (nếu không có xe hơi). Trong thành phố cũng sẽ có một số tuyến xe buýt nếu đi tàu không tiện lợi.

B. THÔNG TIN VỀ LAO ĐỘNG DI CƯ

I. Thị trường lao động Nhật Bản   

Tiêu chuẩn tuyển chọn:

- Đủ 18 tuổi trở lên; đáp ứng yêu cầu về sức khỏe

- Trình độ học vấn: Phổ thông trung học trở lên

* Ngành nghề: Tu nghiệp và thực tập tại các nhà máy dệt may, cơ khí, nhựa, chế biến thủy sản, thợ mộc, xây dựng, nông nghiệp...

* Thời hạn hợp đồng: tối đa không quá 3 năm.

* Thu nhập bình quân: khoảng từ 120.000 Yên – 150.000 Yên/tháng (tương đương khoảng 25.000.000 đồng – 32.000.000 đồng/tháng

II. Tình hình thực tập sinh Việt Nam đi tu nghiệp tại Nhật Bản

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21 tháng 9 năm 1973. Đến nay, hai nước đã xây dựng và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác rất gắn bó và toàn diện. Quan hệ hai nước đã đạt đến một đỉnh cao mới, trở thành “đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh Châu Á”.

Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu. Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản rất lớn, mỗi năm tiếp nhận hơn 100.000 thực tập sinh nước ngoài, trong đó có khoảng 6.000 thực tập sinh Việt Nam. Nhật Bản được đánh giá là thị trường tiềm năng rất lớn cho thực tập sinh Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có gần 20.000 thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản trong 63 nhóm ngành nghề khác nhau, là quốc gia có số lượng thực tập sinh lớn thứ hai trong tổng số 15 quốc gia phái cử, chỉ sau Trung Quốc, vượt lên trên Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Nhìn chung, các thực tập sinh Việt Nam đều có công việc phù hợp, điều kiện làm việc tốt và thu nhập ổn định.

                                                        

III. Các chương trình hợp tác đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản

1. Chương trình hợp tác với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO)

Việt Nam chính thức đưa thực tập sinh sang tu nghiệp tại Nhật Bản từ năm 1992 trong khuôn khổ bản ghi nhớ về “Chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào tu nghiệp tại Nhật Bản” đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký với Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO). Thông qua Chương trình này, Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nghề nhằm giúp thanh niên Việt Nam nâng cao tay nghề, tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại để khi trở về nước góp phần tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.

Cho đến nay, có hơn 120 doanh nghiệp phái cử Việt Nam uy tín, đủ điều kiện được JITCO chấp thuận đưa thực tập sinh sang tu nghiệp tại Nhật Bản. Hiện, thực tập sinh Việt Nam đang tu nghiệp tại Nhật Bản trong các lĩnh vực như điện tử, gia công cơ khí, may công nghiệp, chế biến thủy sản, xây dựng, nông nghiệp, đóng tàu biển… tại hầu khắp các tỉnh của Nhật Bản nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng Gifu, Konto, Kansai, Aichi, Hiroshima…

Theo số liệu thống kê của Tổ chức JITCO, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản ngày càng tăng.

2. Chương trình hợp tác với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (IM JAPAN)

Trong lĩnh vực phái cử thực tập sinh, bên cạnh quan hệ hợp tác với JITCO, từ cuối năm 2005, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ký Bản Thỏa thuận với Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM JAPAN). Thực tập sinh đi tu nghiệp tại Nhật Bản theo chương trình này hầu như không phải đóng các chi phí trước khi xuất cảnh, ngoại trừ các khoản chi phí khám sức khoẻ, lệ phí làm hộ chiếu và visa, chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo trước phái cử. Sau khi hoàn thành thời gian tu nghiệp và thực tập kỹ thuật về nước, tổ chức IM JAPAN sẽ hỗ trợ mỗi thực tập sinh khoản tiền 600.000 Yên (khoảng trên 7.500 USD) để hỗ trợ việc hoà nhập, tìm việc làm mới hoặc tự tạo việc làm cho bản thân. Đối với những thực tập sinh có nguyện vọng làm việc trong các công ty Nhật Bản tại Việt Nam, tổ chức IM Japan sẽ phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội liên hệ với các công ty để hỗ trợ việc làm.

Đây là chương trình phù hợp với tinh thần Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người lao động ở các huyện nghèo, vùng sâu vùng xa đi làm việc ở nước ngoài. Cơ quan trực tiếp thực hiện chương trình này tại Việt Nam là Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

3. Một số chương trình khác:

Bên cạnh việc hợp tác đưa thực tập sinh và thực tập kỹ năng sang tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, Việt Nam cũng đã cung cấp lao động kỹ thuật có tay nghề cao, kỹ sư công nghệ thông tin, những người có trình độ đại học và trên đại học trong các lĩnh vực cho Nhật Bản. Hiện nay, thời gian làm việc của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản là ba năm và có thể gia hạn thêm hai năm, mức lương bình quân khoảng 250.000 yên/tháng (khoảng 3.000 USD), được cung cấp nhà ở, điện nước và các tiện nghi sinh hoạt như bếp gas, tủ lạnh, lò sưởi… Mức thu nhập cao cùng môi trường, điều kiện làm việc tiên tiến tại Nhật Bản là yếu tố hấp dẫn đối với các tân kỹ sư. Tuy nhiên, so với chương trình thực tập sinh, việc tuyển kỹ sư và chuyên gia cũng khó khăn hơn, yêu cầu đào tạo tiếng Nhật dài hơn nhưng hiệu quả cao gấp nhiều lần, chất lượng lao động được đảm bảo và ít phát sinh trong quá trình làm việc.

Ngoài ra, từ năm 2012, trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), hai Bên đã thống nhất triển khai Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Thủ tướng Chính phủ giao là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình này. Việt Nam là nước thứ ba, sau Phillipines và Indonesia, chính thức có thỏa thuận hợp tác đưa ứng viên điều dưỡng và hộ lý sang làm việc và học tập tại Nhật Bản - quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về dịch vụ y tế. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sẽ được huấn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của bản thân trong thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng như có thể sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích học tập được khi trở về làm việc trong nước.

IV. Một số quy định của Luật Quản lý xuất nhập cảnh liên quan đến tiếp nhận thực tập sinh:

1. Tư cách lưu trú:

Luật Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản quy định người nước ngòai muốn nhập cảnh vào Nhật Bản phải kê khai hồ sơ xin tư cách lưu trú. Tùy theo thân phận, địa vị và mục đích nhập cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét để cấp cho tư cách lưu trú. Sau khi có được tư cách lưu trú, người nước ngòai có nguyện vọng nhập cảnh Nhật Bản sẽ tới cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản ở nước sở tại để xin visa nhập cảnh. Khi tới Nhật Bản, người nước ngoài chỉ được phép tiến hành các hoạt động theo đúng mục đích đã được quy định ở tư cách lưu trú do phía Nhật Bản cấp.

            Đối với thực tập sinh tư cách lưu trú là “Thực tập sinh kỹ năng”. Như vậy, thực tập sinh chỉ được phép tiến hành các hoạt động của một thực tập sinh kỹ năng. Trong trường hợp thực tập sinh bỏ khỏi nơi thực tập để đi làm việc ở các nhà hàng hoặc nhà máy khác… sẽ là vi phạm quy định về tư cách lưu trú và sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Tư cách lưu trú của thực tập sinh sẽ được ghi trên thị thực nhập cảnh và dán vào hộ chiếu của từng thực tập sinh.

2. Thời gian lưu trú:

          Nội dung thị thực nhập cảnh dán vào hộ chiếu của thực tập sinh sẽ thể hiện gồm:

  •  Tư cách lưu trú;
  •  Thời gian lưu trú;
  •  Ngày được phép nhập cảnh;
  •  Tên sân bay (địa phương) nơi cửa khẩu nhập cảnh;

          Thời gian lưu trú là thời gian thực tập sinh sẽ được phép ở lại Nhật Bản để tiến hành các hoạt động thực tập kỹ năng. Thông thường Bộ Tư pháp Nhật Bản mà trực tiếp là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp tư cách lưu trú với thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm cho thực tập sinh. Hết thời hạn lưu trú, cơ quan tiếp nhận phải làm thủ tục để xin gia hạn tư cách lưu trú với tổng thời gian lưu trú tối đa không quá 3 năm đối với thực tập sinh kỹ năng.

3. Thay đổi tư cách lưu trú:

          Theo quy định của Luật Quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngòai có tư cách lưu trú muốn thay đổi mục đích ở lại phải làm thủ tục xin Bộ trưởng Bộ Tư pháp (đại diện là Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh điạ phương) để thay đổi tư cách lưu trú cho phù hợp với mục đích ở lại

4. Gia hạn thời gian lưu trú:

Gia hạn thời gian lưu trú là các thủ tục khi một nguwofi nước ngòai ở Nhật Bản muốn tiếp tục các hoạt động mà tư cách lưu trú hiện tại của họ cho phép nhưng thời gian lưu trú đã chuẩn bị hết hạn.

5. Nhập cảnh lại Nhật Bản trong thời gian còn tư cách lưu trú:

          Theo quy định, người nước ngòai lưu trú tại Nhật Bản được tự do rời khỏi nước Nhật bất kỳ lúc nào mà không cần qua bất cứ thủ tục đặc biệt nào. Thế nhưng, khi ra khỏi Nhật Bản, tư cách lưu trú và thời gian lưu trú tại Nhật Bản của người đó sẽ mất hiệu lực. Để quay trở lại Nhật Bản, người nước ngòai đó sẽ phải làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh  mới với nhiều thủ tục phức tạp và mất thời gian. Luật xuất nhập cảnh Nhật Bản cho phép người nước ngòai đang còn thời gian lưu trú tại Nhật Bản được làm thủ tục tái cảnh trước khi người đó xuất cảnh Nhật Bản. Những người đã hòan thành thủ tục tái nhập quốc sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh lại Nhật Bản và chỉ phải làm các thủ tục kiểm tra nhập cảnh đơn thuần.

V. Hướng dẫn về việc xin visa cho người Việt Nam

Để được nhập cảnh vào Nhật Bản làm việc hoặc thực tập kỹ năng, người lao động Việt Nam phải xin Visa lao động, cụ thể như sau:

Trường hợp ở Nhật quá 90 ngày hoặc làm những công việc với mục đích sinh lợi, đề nghị trước hết phải xin giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú ở Nhật Bản tại Cục quản lý xuất nhập cảnh địa phương Bộ tư pháp Nhật nơi gần nhất (Số điện thoại Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ tư pháp Nhật: 03-3580-4111).

(1) Hộ chiếu

(2) Tờ khai xin cấp Visa (01 tờ)

(3) 01 ảnh 4,5cm x 4,5cm

(4) Giấy chứng nhận đủ tư cách lưu trú tại Nhật

(5) Tài liệu xác nhận chính xác bản thân (01 bản)

+ Trường hợp đi lao động kỹ thuật, kỹ năng: Bản hợp đồng lao động, giấy thông báo tuyển dụng...

+ Trường hợp đi tu nghiệp: Giấy tiếp nhận tu nghiệp...

Ngoài những hồ sơ nêu trên, tùy trường hợp có thể Đại Sứ Quán hoặc Bộ Ngoại Giao sẽ yêu cầu xuất trình thêm giấy tờ khác. Xin lưu ý, trường hợp không xuất trình thêm những giấy tờ được yêu cầu có thể sẽ không được tiếp nhận hồ sơ Visa hoặc chậm cấp Visa.